Thể loại phỏng vấn nhân vật vẫn luôn có độ hấp dẫn nhất định để các cây viết tự do chuyên nghiệp lựa chọn trong đó có cả mình. Mình học tại trường đào tạo báo chí nên phần phỏng vấn nhân vật luôn được chú trọng trong cả việc học lẫn việc thực hành. Gần 10 năm nay, số lượng bài viết chuyên sâu về nhân vật vẫn luôn được mình khai thác triệt để cho việc đăng lên các trang báo lớn của Việt Nam hoặc trên các website tin tức, thậm chí mình cũng đã có một cuốn sách viết về các nhân vật mang tên Rạng danh tài trí Việt năm châu.
Bạn có tự hỏi làm thế nào để viết được một bài phỏng vấn nhân vật? Dưới đây là một số cách mình đã làm mà bạn có thể tham khảo. Tùy mỗi người sẽ có cách khai thác nhân vật khác nhau, nhưng nếu làm vì thực sự tò mò thực sự mong muốn mang đến độc giả những thông tin giá trị, bạn chắc chắn sẽ có được một tác phẩm đủ tốt và đủ sức hút công chúng.
Nội Dung
Chọn lĩnh vực muốn viết về nhân vật
Ở Việt Nam nói riêng hay trên thế giới nói chung, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều nhân vật đặc biệt đủ sức hấp dẫn để bạn khai thác làm thành một bài viết thú vị. Họ có thể nổi tiếng ở lĩnh vực tài chính, công nghệ, học vấn, hoạt động cộng đồng, du lịch, sức khỏe… hoặc họ đang có một tài năng đặc biệt, có khuyết tật đặc biệt, hoặc họ đang có một hành động đáng tuyên dương…
Nhiệm vụ của bạn cần làm là xác định xem mình muốn viết về lĩnh vực gì, ở lĩnh vực đó, nhân vật bạn muốn tiếp cận để phỏng vấn và viết về họ là ai? Bạn có thể lên mạng tìm kiếm các thông tin đã được viết để khai thác thêm, hoặc tìm trên mạng xã hội các cá nhân mang những yếu tố mà bạn muốn tìm hiểu. Hoặc bạn có thể nhờ người quen giới thiệu cho các nhân vật mà họ biết khi bạn mô tả những điểm riêng cần tìm.
Điều quan trọng đầu tiên trong việc viết nhân vật là xác định rõ lĩnh vực, điều này giúp bạn đi đúng hướng, tìm đúng nhân vật một cách dễ dàng hơn.
Tìm đọc tài liệu viết về phỏng vấn nhân vật
Trong quá trình viết về một nhân vật, sau khi xác định được rằng mình muốn viết về ai, ngay lập tức mình sẽ lên các trạng mạng xã hội của họ hoặc tìm kiếm trên google các thông tin đã có. Mình sẽ đọc hết các tài liệu có thể thu thập được để hiểu rõ hơn về người mà mình định viết. Mình sẽ tổng hợp tất cả những điều thú vị của họ mà báo chí đã khai thác (nếu có) hoặc các thông tin đã được công khai. Dựa vào yếu tố thú vị đó để mình xác định xem nên khai thác sâu hơn hay khai thác câu chuyện khác đi, mới mẻ hơn về họ.
Việc đọc tài liệu giúp bạn trả lời được một số câu hỏi như: Người này là ai? Họ có điểm gì đặc biệt? Độc giả sẽ quan tâm điều gì ở họ? Họ tài năng như thế nào? Họ đã chia sẻ gì đến công chúng?… Sau khi nắm rõ được nhân vật của mình, bạn sẽ tiếp tục đi đến các bước khác trước khi hoàn thiện một tác phẩm chân dung nhân vật đầy sức hút.
Lên bộ câu hỏi phỏng vấn về nhân vật
Hôm rồi mình đã có bộ câu hỏi để phỏng vấn một nhân vật mà mình dự định viết trong cuốn sách mới sắp ra vào năm 2021. Sau khi nhận được câu hỏi, chị ấy đã nhắn cho mình rằng các câu hỏi của em hay quá, chị đã trả lời luôn rồi. Để có được bộ câu hỏi mà khiến nhân vật muốn trả lời bạn cần trả qua những bước nghiên cứu mà mình có đề xuất bên trên. Đấy là những bài tập về nhà cần chuẩn bị trước khi bạn chinh chiến. Một khi đã có trong tay những tư liệu sẵn sàng để khai thác sâu hơn, bạn sẽ thể hiện bộ câu hỏi rõ ràng hơn và chỉn chu hơn.
Bộ câu hỏi cũng phản ánh được rằng bạn có thực sự quan tâm đến nhân vật (trong các câu hỏi mà nhân vật không ngờ tới), phản ánh được sự nghiêm túc với bài phỏng vấn sắp tới bạn thực hiện.
Bạn có thể tham khảo bộ câu hỏi mà mình đã sử dụng để phỏng vấn chị ấy:
Giúp bạn trở thành cây viết chuyên nghiệp. Kiếm tiền bằng nghề viết. Giới thiệu tới bạn thông tin khóa học của mình nhé.
TÌM HIỂU THÊMCâu 1: Chị có thể cho em biết sau gần 10 năm làm nông nghiệp bền vững, cái khó và dễ nhất mà chị đã làm được là gì? Cái được và mất chị đã trải qua là gì?
Câu 2: Chị có thể chia sẻ các farm mà chị đang khai thác có các đặc điểm như thế nào không ạ? Chẳng hạn như Rơm Vàng, chị đã mất bao lâu và làm như thế nào để biến đất khô cằn thành một khu rừng thu nhỏ như hiện tại?
Câu 3: Để khởi sự với nghề làm nông nghiệp bền vững, chị đã trang bị cho mình những kỹ năng và kiến thức như thế nào?
Câu 4: Trong suốt quá trình 10 năm, chị có trải qua thất bại nào lớn trên con đường khởi nghiệp? Chị có thể chia sẻ chi tiết về câu chuyện thất bại đó? Chị đã có cho mình những bài học gì?
Câu 5: Làm nông nghiệp bền vững vườn rừng khác với làm nông nghiệp bình thường ở chỗ nào ạ?
Câu 6: Chị có chia sẻ là làm mô hình này, chỉ cần đầu tư trong giai đoạn đầu tầm 1- 2 năm, giai đoạn sau có thể chỉ có thu mà không cần làm gì? Chị có thể giải thích rõ ràng hơn về điều này không ạ? Và để làm được điều này, giai đoạn đầu chị đã vất vả thế nào ạ?
Câu 7: Những yếu tố nào để chị quyết định chọn người đồng hành cùng mình trong quá trình vận hành các farm?
Câu 8: Những sản phẩm của Noom có điểm đặc biệt gì so với những sản phẩm khác trên thị trường ạ?
Câu 9: Nếu có lời khuyên dành cho những ai khởi sự trong ngành nông nghiệp, chị sẽ gửi gắm điều gì?
Câu 10: Chị có hình mẫu nào để học hỏi và câu châm ngôn chị tâm đắc nhất là gì ạ?
Câu 11: Chị có thể chia sẻ một ngày của chị diễn ra như thế nào không ạ?
Câu 12: Trong vòng 5 năm tới, chị có những kế hoạch gì để phát triển Noom?
Câu 13: Chị có thể chia sẻ những sản phẩm mới của năm 2021 được chứ ạ? Cách chị nghiên cứu để ra các sản phẩm đó là gì?
Câu 14: Chị có gặp khó khăn khi thuyết phục khách hàng tin dùng sản phẩm của mình trong giai đoạn đầu? Việc tìm kiếm đại lý diễn ra như thế nào và tiêu chí nào để chị chọn lựa đại lý, vì mỗi tháng chị cũng từ chối không ít người đăng ký làm đại lý?
Câu 15: Chị từng chia sẻ rằng, nếu Noom thiếu chị vẫn có thể hoạt động được trơn tru, chị có thể chia sẻ những sự chuẩn bị và cách chị làm để một doanh nghiệp có thể vận hành tốt được chứ ạ?
Để tham khảo thêm các câu hỏi khác, bạn có thể đọc bài viết 5 phương pháp để khai thác chất liệu viết về nhân vật của mình.
Biên tập thành một bài viết nhân vật hoàn chỉnh
Đây là bước cuối cùng để tạo nên một bài viết hoàn chỉnh về chân dung nhân vật. Có thể bạn chọn cách thể hiện là biên tập lại câu hỏi phỏng vấn và nội dung trả lời để cho lên bài phỏng vấn dài. Như bài viết CEO Utopia Eco Lodge Resort Dương Xuân Phi – Chuyện về “gã điên” huy động vốn 5 tỷ cho 5% cổ phần startup chỉ bằng livestream trên Facebook mà mình từng đưa lên CafeBiz.
Một cách thể hiện khác là một bài tường thuật được ghi lại theo dạng bài tổng hợp thông tin. Sau khi có được các câu trả lời từ nhân vật, bạn có thể biên tập lại để viết nên bài hoàn chỉnh. Bạn có thể phân các tiểu mục trong bài viết như chuyện lập nghiệp, chuyện thất bại, chuyện phát triển… và đặc những cái tên mô tả đúng, thu hút cho đoạn văn viết về điều đó. Bạn nên viết bài về nhân vật trong khoảng 1200 – 1500 chữ, đối với một vài báo có thể yêu cầu dưới 1000 chữ. Hãy viết sau cho ngắn gọn, súc tích và logic nhất nhé. Bạn nên tham khảo ý kiến của chính nhân vật để có bài viêt trọn vẹn hơn cũng như đúng ý mà họ muốn chia sẻ. Sau khi có bài viết hoàn chỉnh, bạn nên gửi đi để tham khảo thêm các ý kiến của bạn bè hoặc những người có kinh nghiệm hơn cho nhận xét.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm loạt bài viết chân dung mà mình từng viết trên các báo ở link bên dưới, hoặc có thể mua cuốn sách Rạng danh tài trí Việt năm châu của mình để đọc thêm các bài viết về nhân vật. Mình chúc bạn sớm có được một bài viết hoàn chỉnh và được độc giả đón nhận.
Link bài viết nổi bật trên báo:
https://vnexpress.net/nu-cu-nhan-tieng-anh-ve-que-lam-nong-nghiep-sach-4197641.html
https://zingnews.vn/su-tinh-co-dua-chang-tien-si-viet-gia-nhap-intel-post780167.html
https://sinhvienusa.org/category/sinh-vien-usa/guong-mat/
Nếu bạn muốn đọc thêm các bài viết khác của mình, có thể click tại đây
Nếu bạn muốn mua sách của mình, có thể xem qua tại đây
Nếu bạn muốn liên hệ hợp tác, tư vấn marketing, nội dung, có thể gửi email cho mình qua: hanh.nguyen@dimi.vn
Đăng ký nhận bài viết mới nhất của Hạnh qua email nhé.