Bài viết chân dung nhân vật luôn là thế mạnh của mình từ 7 năm gần đây. Mình đã gặp gỡ, được nghe câu chuyện của những con người thú vị và viết về họ như một sự tri ân với những gì họ làm. Những bài viết của mình được các báo như Vnexpress, Zing… đăng tải và được độc giả đón nhận tích cực.
Bạn có thể xem các bài viết chân dung nhân vật khác của mình tại đây
Đây là bài viết về anh Dương Xuân Phi được đăng trên CafeBiz, các bạn cùng đọc nhé!
4 lần “gã điên” Dương Xuân Phi khiến người khác phát hoảng. Nhưng với một con người tràn đầy năng lượng, ý tưởng và nhiệt huyết như anh, đó chỉ là khao khát có một cuộc sống không sống hoài, sống phí. Những tưởng sở hữu một trong những resort đẹp nhất Tây Bắc đã khiến anh dừng bước, nhưng Dương Xuân Phi quả quyết mình sẽ sáng tạo ra một mạng xã hội du lịch của riêng mình.
Người ta gọi Dương Xuân Phi là “gã điên” bởi anh thường xuyên có ý tưởng điên rồ, làm được những điều ai cũng nghĩ là không thể, rồi lại nảy sinh một giấc mơ điên rồ khác, ví như ngay sau thành công của Utopia Eco Lodge, anh tiếp tục lập một công ty công nghệ Uto Tech Jsc để bắt đầu dự án mạng xã hội du lịch của mình.
“Tôi vẫn luôn cho rằng mình là người kém may mắn nhất, nhưng tôi đã sai lầm. Bởi tôi có duyên gặp gỡ, quen biết, rồi còn được làm học trò của thầy Phi, một con người rất “độc và lạ, mà còn quý”. Tôi cảm thấy cuộc đời đã ưu ái mình quá nhiều kể từ khi được là học trò của thầy.“ – Đó là lời chia sẻ chân tình của một học trò về “anh thầy điên” Dương Xuân Phi trên Facebook.
“Gã điên, nhưng nói được làm được” là tính từ mà bạn bè nhận xét về Dương Xuân Phi. Năm 2010, họ bảo anh “điên” lần 1: đã bỏ học vào năm 2 tại Học viện Hàng không TP.HCM, dang dở đường học vấn chưa đủ; năm 2014, anh “điên” lần 2: lên đường đạp xe xuyên Việt. Ngày xuất phát, Phi chỉ mang trong túi vỏn vẹn 1 triệu đồng để thử thách giới hạn của bản thân. Suốt 1,5 năm, Phi thành công chinh phục cung đường 18.000 km, khám phá 63 tỉnh thành.
Năm 2017, vừa kết thúc dự án xuyên Việt, bạn bè thấy anh “điên rồ” lần 3: Bỏ Sài Gòn, lên Sapa xây khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Utopia Eco Lodge rộng gần 1,5 héc ta tại thung lũng Mường Hoa. Tưởng thế đã đủ, tới năm 2020, họ lại bất ngờ với “cú điên” thứ 4: thành lập công ty công nghệ Uto Tech ở Đà Nẵng, xây dựng mạng xã hội du lịch khi mà đã có rất nhiều mạng xã hội về du lịch ở Việt Nam trong bối cảnh ngành du lịch đang khủng hoảng trên toàn thế giới vì COVID-19.
Để hiểu rõ hơn về chàng trai “độc, điên, lạ” này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Dương Xuân Phi, nghe anh chia sẻ về những giấc mơ được cho là điên rồ nhất.
* Nhiều người không tin rằng anh sẽ làm nên một trong những khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẹp nhất Tây Bắc, nhưng sau 3 năm hoạt động, Utopia Eco Lodge Resort đã mang đến cho du khách một trải nghiệm du lịch trong bình yên khi mọi thứ đều trên cả tuyệt vời. Anh có nghĩ đó là giá trị lớn nhất mà anh đang mang lại cho khách hàng của mình?
Giúp bạn trở thành cây viết chuyên nghiệp. Kiếm tiền bằng nghề viết. Giới thiệu tới bạn thông tin khóa học của mình nhé.
TÌM HIỂU THÊMTôi thiết kế Utopia Eco Lodge với giá trị cốt lõi là thân thiện nhất với thiên nhiên và con người, nó có thể được coi là nơi hoang sơ duy nhất còn sót lại ở Sapa. Đó là mô hình khá lạ lẫm với mọi người vào thời điểm đó, nhất là với người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Utopia Eco Lodge đã góp phần truyền cảm hứng cho rất nhiều các bạn trẻ khác trên con đường khởi nghiệp theo mô hình sinh thái như Farmstay, Eco Lodge.
Ngoài ra, với văn hoá “theo đuổi giấc mơ, không sợ hãi”, Utopia đã truyền cảm hứng cho rất nhiều khách hàng, cả người Việt và người nước ngoài, để họ dũng cảm thực hiện giấc mơ của bản thân. Một số khách nói với tôi, chuyến đi đến Utopia đã thay đổi cách họ du lịch, từ “chụp hình check-in” chuyển sang “du lịch trải nghiệm” – đi để có kỷ niệm lạ lùng, sâu sắc, khó quên trong đời.
* Qua việc xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái không internet để tăng tính trải nghiệm và tìm về chính mình của từng du khách, mô hình Eco Resort đi đầu Việt Nam, anh có nghĩ mình là kẻ khác biệt dám mạo hiểm làm điều mà người khác cho là không thể?
Tôi xây dựng Utopia mà không tham khảo thêm bất cứ mô hình nào khác. Lúc đó, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm về mảng du lịch này. Thậm chí trong lúc làm, tôi cũng không biết Utopia có thành công không? Chỉ biết khó khăn rất nhiều, tiền phát sinh cũng nhiều.
Có những chuyện tưởng rất đơn giản, nhưng khi làm thì tùm lum rắc rối. Ví như thuê thợ mộc, tưởng dễ nhưng sửa tới sửa lui không ổn, cuối cùng tôi phải mua nguyên dàn máy, tự học cách làm mộc, tự đóng bàn đóng ghế. Tôi vẫn nhớ buổi tối tháng 7 năm 2017, khi ấy tôi và nhân viên vừa đóng xong tấm bảng gỗ ghi câu nói “Stay hungry, stay foolish” của Steve Jobs để trang trí, tôi hỏi họ: “Anh đang tưởng tượng, đêm xuống, ngoài trời lành lạnh, sương dày, mọi người trong phòng sẽ đốt lửa lò sưởi, ngồi cạnh nhau, có thể uống rượu uống bia, rồi tâm sự, trải lòng. Những cuộc trò chuyện sâu sắc, nhiều năm không quên… Này, với cái giá 3 triệu một đêm, phòng Family này liệu có khách không nhỉ?”. Hai bạn nhân viên nhìn nhau rồi trả lời ngập ngừng: “Em thật sự không chắc.” Họ nghi ngại cũng đúng. Đây là Sapa, có phải Hà Nội đâu chứ.
May mà cuối cùng Utopia đi vào vận hành ổn. Tôi nghĩ rằng, nếu là “kẻ khác biệt dám mạo hiểm” thì tôi sẽ nhận là mình, còn “điều mà người khác cho là không thể” thì tôi không. Tôi chỉ là người bình thường, ưa thích làm điều tôi muốn. Còn thế giới ngoài kia rộng lớn, người tài giỏi chí lớn có năng lực thì vô vàn, cái khác thường của tôi đôi khi chỉ là suy nghĩ bình thường của họ, sao có thể đánh giá chủ quan như vậy được.
* Được biết năm 2020 này, anh sẽ cho ra đời dự án mạng xã hội du lịch, anh có thể chia sẻ một ít thông tin về dự án này?
Theo như dự kiến và không có việc gì vượt ngoài tầm kiểm soát như dịch COVID-19, thì ngày phát hành app sẽ là ngày 8/11/2020. Dự án ra đời với sứ mệnh làm cách nào để việc đi du lịch trở nên đơn giản, dễ dàng và tiết kiệm nhất. Bạn chỉ cần đóng gói đồ đạc, trên tay cầm một cái điện thoại với ứng dụng là có thể bắt đầu ngay một chuyến đi.
* Tại sao anh lại chọn làm dự án này trong khi có nhiều mạng xã hội “made in Việt Nam” đang hoạt động khá tốt? Điều gì khiến anh tin dự án sẽ thành công?
Tôi không chắc rằng mạng xã hội của tôi xây dựng sẽ thành công, thực ra tôi nghĩ khả năng chỉ vào khoảng 1 đến 2%. Tôi cũng nói rõ điều này với những nhà đầu tư. Tuy nhiên nó là giấc mơ mà, dù có ít cơ hội thành công thì cũng nên thử một lần trong đời, để sau này có chết đi thì cũng không hối tiếc về một thời thanh xuân của mình, ít ra thì tôi cũng có thể kể với con mình rằng ngày xưa bố đã sống như thế.
* Có người nói anh là “Gã điên” huy động vốn vài tỷ với vài lần livestream trên Facebook, làm thế nào anh có thể huy động số tiền lớn với một cách dễ dàng như vậy?
Để chạy được dự án công nghệ, ngoài khả năng của bản thân thì tài chính là một yếu tố rất quan trọng để biến ý tưởng trong đầu thành hình, vì để dự án thành công, một trong những yếu tố then chốt là vốn phải cực kỳ lớn. Tôi định giá công ty với 100 tỷ, tức 1% cổ phần tương ứng với 1 tỷ đồng. Tất cả mọi người, thậm chí chính team công nghệ trong công ty cũng không tin tôi huy động được vốn với định giá ảo thế, nhưng nhiều người chỉ gặp tôi 1, 2 lần, vẫn xuống tiền mua 0,1% (100 triệu) mà thậm chí họ không cần giấy tờ bảo đảm. Tôi nghĩ chỉ có niềm tin người ta mới quyết định được như thế.
Tôi đã huy động vốn được từ những người chưa gặp tôi bao giờ. Họ hầu hết là những người theo dõi tôi trong khoảng thời gian rất lâu, hiểu rõ quá trình phát triển của tôi, cũng như sự nhất quán trong suy nghĩ, lời nói lẫn việc làm. Họ sẽ thấy tôi nói được, làm được, nhất quán trong mọi việc, luôn giữ lời hứa, có ý chí và kiên định, có hoài bão, sống theo giá trị cốt lõi, luôn chịu trách nhiệm, và biết ơn. Tôi nghĩ uy tín cá nhân khiến mọi người quyết định tin tưởng và đầu tư vào những dự án mà tôi kêu gọi.
* Cũng có thể do họ tin một người đã sống trọn ở 63 tỉnh thành với nhiều trải nghiệm, đầy bản lĩnh vượt qua nhiều thử thách của cuộc sống để có được điều mình muốn. Như anh chia sẻ về phần định giá, anh có nghĩ mình “ngáo giá” khi nâng giá trị công ty lên 100 tỷ mặc dù nó vẫn chưa ra sản phẩm?
Đó là mục tiêu điên rồ mà tôi đặt ra! Tưởng tượng nếu tôi tham gia Shark Tank, thì khả năng cao Shark Bình sẽ bảo tôi là bị ngáo giá, hoặc bảo tôi không phải người hành tinh này. Thực tình mà nói mọi người nghĩ thế cũng rất có lý, rất nhiều công ty lâu năm chỉ được định giá tầm 10, 20 tỷ, huống chi dự án này của tôi còn chưa ra App mà đi định giá đến 100 tỷ. Tuy nhiên, tin vui là tôi đã huy động được 5 tỷ với định giá “ai cũng thấy ngáo” đó, 5 tỷ tương ứng với 5%. Giả sử nếu bán được 5% sản phẩm của mình với giá 5 tỷ thì nghiễm nhiên 95% phần còn lại sẽ có giá 95 tỷ. Một khi đã bán được với giá đó, có nghĩa mọi người đã chấp nhận được định giá 100 tỷ cho 100% cổ phần.
* Khởi nghiệp ở mảng công nghệ thông tin với nhiều khó khăn, anh đã làm gì để xây dựng được đội ngũ hơn 12 kỹ sư công nghệ thông tin giàu kinh nghiệm đang đi cùng giấc mơ với mình?
Thực ra đây là lần làm lại thứ 3 của tôi cho ý tưởng này. Nó đã được ấp ủ từ năm 2016, cái thời Utopia Eco Lodge bắt đầu xây dựng ở Sapa. Tôi chỉ nghĩ nếu lý tưởng đủ lớn và đẹp, nó sẽ giúp tôi quy tụ được những con người tài giỏi tự nguyện dốc sức, chiến đấu hết mình.
* Anh có nghĩ mình “ngông” không khi dồn toàn lực mình có vào dự án tâm huyết về mạng xã hội du lịch này?
Tôi thường sẽ không nghĩ “mình là gì” hay “mình như thế nào” khi bắt tay vào làm việc nào đó. Tôi cũng không có các nhu cầu hưởng thụ như ăn uống, thời trang, nhà hay xe đẹp. Ước mơ từ thuở nhỏ của tôi, cũng là nguồn cảm hứng lớn nhất trong đời tôi, chỉ là được trải nghiệm cuộc sống, được tận mắt nhìn thấy thế giới rộng lớn, đẹp đẽ, muôn hình vạn trạng này. Tôi không nghĩ mình ngông, tôi chỉ đang theo đuổi đam mê của mình.
Cho đến tận hôm nay, tôi đã thực hiện được 80% toàn bộ ước mơ trong đời, và dự án lần này chính là đích đến cuối cùng. Tôi luôn tâm niệm rằng: tiền bạc, có chết cũng chẳng mang theo được, thế nên cứ nghĩ gì làm nấy thôi. Nếu có phá sản và làm ăn mày, tôi cũng sẽ là một tên ăn mày tự do trong trí óc, dồi dào về cảm xúc. Vậy thôi cũng đủ làm tôi hài lòng với cuộc đời tuyệt vời này rồi.
* Anh dựa vào đâu để luôn giữ niềm tin về giấc mơ mang đến điều khác biệt cho ngành du lịch trong và ngoài nước?
Thật sự là tôi không kỳ vọng rằng mình sẽ tạo điều khác biệt gì cả. Tôi chỉ đang làm công việc tôi muốn, mong rằng có thể đóng góp một phần vào việc làm du lịch trở nên dễ dàng hơn. Như ngày xưa việc đi lại bắt taxi hay xe ôm rất khó khăn, nhưng bây giờ thì ta đã có Grab, Gojek, Be… rất đơn giản và tiện lợi. Còn du lịch hiện tại cũng có rất nhiều ứng dụng tuyệt vời ở Việt nam để hỗ trợ như Luxstay, Traveloka, Tripvn… Tôi chỉ tạo ra thêm một tiện ích để mọi người trải nghiệm. Nếu thật sự được khách hàng đánh giá là “khác biệt” tôi sẽ rất biết ơn và hạnh phúc. Nếu khách hàng có cảm xúc trọn vẹn hơn trong hành trình du lịch khám phá nhờ mạng xã hội này, đối với tôi đó đã là thành tựu lớn rồi.
* Gần đây, tôi có thấy một câu trên Facebook của anh thế này: “Nếu tôi là bác Phạm Nhật Vượng, thay vì đi chế tạo ô tô, tôi sẽ cho nghiên cứu và phát triển xe bay chạy điện. Phải đi tắt đón đầu, chứ toàn học theo thì chỉ có bám đuôi nước khác. Muốn vượt người khác phải dùng giải pháp sáng tạo.
Câu nói này nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, có lẽ các bạn đọc nghĩ rằng tôi đang “múa rìu qua mắt thợ”. Thực ra, tôi luôn ý thức được rằng những gì tôi đã và đang làm kỳ thực vô cùng nhỏ bé so với rất nhiều người giỏi giang ở Việt Nam chứ chưa nói đến thế giới, nên bảo tôi “múa rìu” thì hoàn toàn tôi không có ý nghĩ đó.
Ý nghĩa của dòng status chỉ là chia sẻ về sự giả định rằng nếu tôi có nhiều tiền như bác Vượng, tôi sẽ làm như thế, một ước mơ tuy có phần “hão huyền”. Mơ không mất tiền và không bị đánh thuế mà. Bản thân tôi luôn dành sự ngưỡng mộ và kính phục rất lớn đối với bác Vượng, vì về cơ bản bác ấy đã tạo ra sự thay đổi rất lớn trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, cũng như bộ mặt của các đô thị ở Việt Nam so với thế giới. Tôi nghĩ rằng giai đoạn bây giờ, mọi thứ bác Vượng làm để vì xã hội, vì đất nước, chứ tiền giờ tiêu sao hết.
Và nếu giả sử dòng trạng thái đó của tôi được bác Vượng đọc thấy thì bác cũng chỉ bật cười mà thôi, tôi nghĩ vậy!
* Nếu được gửi đến các bạn trẻ đang trong giai đoạn khởi nghiệp, gọi vốn, anh có lời khuyên nào cho các bạn ấy?
Tôi nghĩ rằng một lời khuyên là không đủ có tác dụng với các bạn trẻ, vì để bắt đầu một điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc đời này, các bạn ấy cần tự trả lời lý do tại sao phải bắt đầu sống có ý nghĩa, tại sao phải theo đuổi giấc mơ. Vì thế, tôi xin tặng các bạn ấy một câu nói tôi rất thích của Mark Twain:
“Hai mươi năm nữa, bạn sẽ hối tiếc vì những thứ mình không làm hơn là điều đã làm. Vì vậy, hãy tháo dây, cho thuyền ra khỏi bến cảng an toàn, căng buồm đón gió, tìm tòi, ước mơ và khám phá.”
* Cảm ơn anh và chúc anh luôn giữ được chất “điên” của mình và luôn thành công trong sự nghiệp!
Những cột mốc đáng nhớ của “gã điên” Dương Xuân Phi
– Năm 2010, bỏ ngang Đại học khi đang là sinh viên năm 2 của Học viện Hàng không, TP.HCM.
– Năm 2014, đi xuyên Việt bằng xe đạp, khởi hành chỉ với 1 triệu đồng, đạp xe hơn 18.000 km, sống ở 63 tỉnh thành trong 1,5 năm.
– Năm 2017, sáng lập Utopia Eco Lodge Resort – một trong những khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái đẹp nhất Tây Bắc tại thung lũng Mường Hoa, Sapa, cùng với việc tổ chức các hoạt động tour trải nghiệm khắp miền Bắc.
– Năm 2020 sáng lập Uto Tech Jsc với dự án Mạng xã hội du lịch, định giá công ty 100 tỷ, đã huy động 5 tỷ cho 5% cổ phần trong vòng gọi vốn đầu tiên trên Facebook.
Bài viết được Hạnh Nguyễn thực hiện đăng trên Cafebiz.vn
Xem thêm bài viết nhân vật tại đây
Bạn có thể đọc thêm các bài viết khác của mình tại https://hanhnguyenwriter.com/
Bạn có thể xem sách mình viết tại đây
Bạn cần liên hệ tư vấn về chuyên môn viết lách hoặc liên hệ hợp tác công việc, đừng ngần ngại gửi email về cho mình tại: hanh.nguyen@dimi.vn
Đăng ký nhận bài viết mới nhất của Hạnh qua email nhé.