Học viết hay khi làm Freelance Writer, bạn nên làm gì? Tiếp nối phần tiếp theo của bài viết có tựa đề Như thế nào là một bài viết hay và bí quyết viết hay cho Freelance Writer là gì?, trong nội dung này mình xin chia sẻ thêm 3 yếu tố còn lại để có một bài viết hay khi làm Freelance Writer.
Mặc dù mỗi cây viết chuyên nghiệp sẽ có cách định nghĩa và tích góp cho mình những yếu tố viết hay rất riêng. Nếu bạn có thêm các yếu tố khác, hãy để lại ở phần bình luận cho mình có cơ hội trao đổi, học hỏi cùng nhau nhé!
Nội Dung
Học viết hay khi có cấu trúc rõ ràng
Như thế nào là một bài viết có cấu trúc rõ ràng. Thời còn học làm báo, mình luôn được các thầy cô nhắc đi, nhắc lại về 6 yếu tố quan trọng của một bài viết đó là 5W+1H. Đây là thành phần không thể thiếu khi viết bất cứ nội dung gì nhằm tạo nên tác phẩm đúng và có cấu trúc rõ ràng.
Bạn còn nhớ kiến thức khi chúng ta học văn thời học sinh trong các tiết học Văn, có phải cấu trúc cần có gồm mở bài, thân bài, kết bài không nhỉ? Chính cấu trúc này làm nên tất cả những bài viết hay đấy các bạn!
Trong báo chí có cấu trúc hình tháp ngược, có nghĩa là thông tin nào quan trọng nhất sẽ được đưa lên đầu bài viết, các thông tin ít quan trọng hơn hoặc làm chức năng bổ sung, mở rộng thông tin sẽ được đưa về phía sau. Sở dĩ có cấu trúc này vì với lượng tin tức mỗi ngày một nhiều trên hầu khắp các trang báo, mạng xã hội, đi cùng với đó là nhịp sống bận rộn của đại đa số sẽ khiến mọi người có thói quen đọc lướt. Mục đích để phần nội dung quan trọng cũng như đặt tiêu đề phụ cho bài viết sẽ giúp người đọc nắm được thông tin cốt lõi mà tác giả muốn truyền tải trước khi quay lại đọc kỹ hơn toàn bài.
Khi tham gia khóa học Coaching 1:1, các học viên của mình cũng đã hình dung được cấu trúc để thực hành và có được những kết quả khả quan. Điều cơ bản nhất của một người viết lách tự do chuyên nghiệp là nắm được cấu trúc để bố trí câu từ, đoạn sao cho hợp lý, logic nhằm thuyết phục được độc giả hành động đúng với mục tiêu đề ra.
Bạn có thể hình dung được đơn vị nhỏ nhất tạo nên từ là các chữ cái, rồi từng từ tạo nên câu hoàn chỉnh, từng câu hoàn chỉnh tạo nên đoạn văn, từng đoạn văn nhỏ sẽ tạo nên bài viết hoàn thiện.
Xét về cấu trúc câu, một câu hoàn chỉnh khi đúng cấu trúc có chủ nghữ, có vị ngữ, đi kèm tân ngữ, trạng ngữ,… để bổ ngữ thêm cho nội dung. Nếu xét về cấu trúc đoạn, một đoạn cần biểu đạt được một nội dung hoàn chỉnh, có câu mở đầu đoạn để đưa ra luận điểm và các câu khác bổ sung ý, giải thích để hoàn thiện một quan điểm, nhận định, giả thuyết,… mà tác giả muốn biểu đạt. Các đoạn cần logic với chính nó cũng như logic với các đoạn khác trong một bài. Để làm được điều này, thỉnh thoảng bạn sẽ sử dụng các hình thức nối đoạn thông qua từ ngữ như vì thế, cho nên, bạn sẽ thấy, như đã trình bày ở trên,…
Để có một bài viết hay theo đúng cấu trúc, bạn cần xác định outline cho bài viết trước khi bắt đầu. Từ outline bạn sẽ hình dung được mình cần viết gì cho từng tiêu đề chính, tiêu đề phụ, các luận điểm chính của từng đoạn triển khai ra sao. Bạn không thể nào ngồi kể dài dòng cho đoạn mở đầu, trong khi nội dung lý tưởng chỉ gói gọn trong 1 đoạn khoảng 100 – 150 từ. Bạn cũng không thể nào mãi viết thân bài mà quên dành một phần nội dung để kết lại toàn bộ bài viết được.
Hầu hết các tác phẩm mà bạn từng đọc qua đều có cấu trúc như thế kể cả trong các tác phẩm văn học. Tuy nhiên, nếu bạn tìm thấy một kiểu cấu trúc chưa từng thấy nhưng vẫn cảm được bài viết, vẫn thấy bài viết đó hay, có nghĩa là trình của người viết đã đạt được một đẳng cấp cao. Họ có thể tạo nên một thể loại cấu trúc mới theo cách riêng của họ nhưng vẫn khiến bài viết truyền tải được những mục đích ban đầu của họ. Để làm được những điều như thế này, bạn cần dành thời gian chăm chỉ luyện viết mỗi ngày nhé! Bạn nên thiết lập mục tiêu và cho mình thói quen viết ít nhất 1000 từ mỗi ngày để thấy được sự tiến bộ trong sự nghiệp Freelance Writer của mình.
Giúp bạn trở thành cây viết chuyên nghiệp. Kiếm tiền bằng nghề viết. Giới thiệu tới bạn thông tin khóa học của mình nhé.
TÌM HIỂU THÊMHọc viết hay khi có giọng điệu riêng
Bạn có từng nghe nhiều về giọng điệu của các cây viết chuyên nghiệp chưa? Khi mới bắt đầu con đường Freelance Writer có thể bạn chưa hình thành được giọng điệu rõ ràng trong các bài viết nhưng dần dần, bạn sẽ có cho mình giọng điệu riêng.
Giọng điệu của một nhà nghiên cứu, một nhà tiên tri, của một ngôi sao,… sẽ không bao giờ giống nhau. Tùy mỗi cây viết sẽ định hình được giọng điều gì trong các bài viết của mình khi viết đủ lâu. Hoặc nếu bạn hiểu được giọng điệu là như thế nào bạn sẽ tìm thấy nó dễ dàng hơn.
Có một bạn độc giả nhận xét giọng điệu của mình trong các bài viết đăng lên website Hạnh Nguyễn Writer này là khiêm tốn và cẩn trọng. Bạn ấy đã đúng, mình vốn dĩ không thích chia sẻ, vì là người hướng nội nên mình rất ngại những phản hồi gây tranh cãi khi nội dung của mình đến với công chúng. Đó là lý do mình thường sử dụng giọng điệu khiêm tốn trên vai trò người từng trải nghiệm với nghề viết lách tự do, từng được học kiến thức của một cây viết để chia sẻ cho các bạn mới bắt đầu.
Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy trên Facebook cá nhân của mình hay viết giọng hài hước (mình đang thử giọng này) nhằm tạo sự vui vẻ cho bạn bè đang follow mình. Tuy nhiên, phần lớn mình muốn giữ giọng khiêm tốn của một người chia sẻ và đưa ra những quan điểm cá nhân về các vấn đề của cuộc sống dưới góc nhìn suy tư nhưng luôn có yếu tố khuyên độc giả hành động theo hướng tích cực.
Hiện tại có nhiều cây viết của Việt Nam có chất giọng rất riêng mà chi cần đọc bài của họ, chưa cần nhìn tên bên dưới cũng đã nhận ra ngay.
Như tác giả Đặng Hoàng Giang có cuốn sách nổi tiếng:
Hầu hết các bài viết của ông đều thể hiện giọng văn đanh thép, mạnh mẽ nhưng để lại trong lòng người đọc những suy nghĩ vô cùng sâu sắc về cuộc sống.
Hoặc tác giả Huỳnh Vĩnh Sơn được gắn với giọng điệu hài hước, nhẹ nhàng qua các cuốn sách liên quan đến viết lách của anh.
Đã là một cây viết tự do chuyên nghiệp, bạn cũng cần thích nghi với nhiều chất giọng khác nhau khi viết cho những khách hàng khách nhau. Ngoài khả năng định hình chất giọng riêng khi viết cho chính mình đề độc giả nhận diện bạn dễ dàng hơn, bạn cũng cần học cách thay đổi giọng điệu khi độc giả của mình, thể loại viết của mình thay đổi theo yêu cầu của khách hàng nhé!
Học viết hay khi viết đúng
Một bài viết hay khi viết đúng ngữ pháp, đúng chính tả, đúng cú pháp, đúng mục đích… Có thể nói là tổng hợp của nhiều yếu tố đúng mà mình đã trình bày trước đó.
Để viết đúng bạn cần có thái độ nghiêm túc, cầu tiến với sự nghiệp viết lách của mình. Không ai thành công trên con đường này sau một đêm được, và cũng không ai viết hay, viết tốt nhờ bẩm sinh cả. Hầu hết các cây viết hiện nay đều dành rất nhiều thời gian để nỗ lực luyện tập không ngừng. Nếu cứ ngồi suy nghĩ và lo lắng tại sao bạn viết chưa hay, bạn chưa có độc giả, bài bạn chưa có ai like thì chúng ta nên quản trị lại kỳ vọng của bản thân mà tích cực luyện tập.
Muốn học viết hay, bạn cần luyện đủ, bạn có kiến thức, kỹ thuật viết tốt, bạn tích lũy đủ trải nghiệm kèm đam mê viết lách luôn cháy trong bạn. Hãy cứ tính một ngày bạn viết 3000 từ, sau 1 năm bạn sẽ có bao nhiêu, phải chăng trên 1 triệu từ? Nếu bạn đạt được con số trên, mình tin rằng bạn sẽ chạm tới một cấp bậc mới của nghề Freelance Writer.
Trước khi kết thúc phần nội dung này, mình gửi đến bạn bài viết cách đây hơn 6 năm, đây là bài mình viết để gửi đến cuộc thi viết được tổ chức trên báo và sau đó được đăng nên mình đăng lại ở Trạm Đọc (lúc còn đại diện Trạm tại khu vực Đà Nẵng). Bài này nhận được rất nhiều tình cảm nơi độc giả vì nó chạm đến một phần cảm xúc cho những ai yêu mến nhạc Trịnh. Bạn xem qua tại link này.
Mình hi vọng rằng một khi bạn đã viết ra và đủ can đảm chia sẻ bài viết của mình trước công chúng, chỉ cần một người nhấn like, một người động viên thôi cũng là minh chứng cho việc bạn viết hay rồi. Đừng đặt kỳ vọng quá cao cho một bài viết sẽ cho ra hiệu ứng viral để tạo ra cho mình áp lực mà nản trên con đường này bạn nhé!
Muốn học viết hay khi làm Freelance Writer, bí quyết duy nhất là sự luyện tập, bạn nhớ nhé!
Đăng ký nhận bài viết mới nhất của Hạnh qua email nhé.