Freelance Writer viết hay khi nào? Liệu viết hay là tài năng thiên bẩm hay do khổ luyện? Nên làm gì để viết hay hơn nếu là Freelance Writer
Nhiều bạn hay bảo mình “Em thấy mình viết chưa hay, em phải làm thế nào chị ơi? Mình hỏi lại các bạn ấy rằng: “Tại sao em nghĩ mình viết chưa hay”, các bạn đều trả lời rằng thấy câu cú vẫn chưa chuẩn chỉnh, thấy bố cục bài viết vẫn chưa logic, thấy bị bí ý tưởng và chưa biết triển khai thế nào.
Mình cũng từng trải qua cảm giác tự ti trong các bài viết của mình vì nghĩ rằng nó chưa hay, nghĩ rằng nó chưa được đông đảo bạn đọc đón nhận. Nếu lúc ấy có ai đó động viên mình, có ai đó nói cho mình cách để viết hay hơn thì tốt biết mấy, mình tự nghĩ thế. Trải qua hơn 10 năm viết lách, hơn 7 năm làm Freelance Writer (Cây viết tự do chuyên nghiệp) mình chỉ biết tự thuyết phục bản thân mình rằng muốn viết hay thì cần rèn luyện, muốn viết hay cần viết đúng. Mình cho rằng mỗi người sẽ có những góc nhìn khác nhau về hay hoặc không hay, nhưng giới chuyên môn nhìn vào sẽ biết bài viết có đầu tư hay không, có bố cục rõ ràng hay không, có chỉn chu câu từ hay không…
Mình từng nhận vai trò làm giám khảo cuộc thi viết TẾT VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ 2020, tiêu chí lựa chọn bài viết hay của giám khảo dựa vào các yếu tố mà mình đã chia sẻ ở trên, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là bài viết có chạm được đến trái tim người đọc hay không, có khiến họ suy nghĩ, hành động, hoặc trăn trở,…
Trong bài viết này, mình gửi đến bạn những yếu tố để có được một bài viết hay dành cho các cây viết tự do chuyên nghiệp (Freelance Writer).
Nội Dung
Một bài viết hay khi có mục đích viết rõ ràng
Mình hay đặt ra 2 câu hỏi quan trọng cho các học viên khi học viết với mình là: Bạn viết nó cho ai đọc?; Bạn viết ra vì mục đích gì?
Hai câu hỏi này giúp bạn có được mục đích rõ ràng trước khi bắt tay vào viết. Nếu bạn viết theo bản năng, nghĩ gì viết đó sẽ xảy ra trường hợp bài viết của bạn thiếu tính lập luận, thiếu tính thuyết phục, thậm chí rơi vào tường hợp đọc những không hiểu bạn đang nói gì.
Một bài viết có mục đích khi bạn trả lời được câu hỏi: Bạn viết cho ai đọc?. Nếu viết cho các bà mẹ bỉm sữa thì nội dung và giọng văn sẽ khác với viết cho đối tượng độc giả là các bạn thế thệ Gen Z. Ngoài đối tượng, bạn cần hiểu được mục đích của việc viết là gì? Bạn đang viết để bày tỏ quan điểm về một chủ đề nào đấy, hay đang thuyết phục độc giả làm theo hướng dẫn của mình, hay chứng minh các luận điểm, hay chia sẻ kinh nghiệm, hay kể câu chuyện cảm động, hoặc kêu gọi hành động,…
Khi có mục đích, bài viết của bạn sẽ đi đúng hướng, tránh lạc đề, tránh lan man, và tạo được chất lượng khi đưa nó ra công chúng. Tuy nhiên, việc xác định mục tiêu vẫn còn khá mơ hồ ở những bạn đang mới dẫn thân vào con đường viết lách tự do chuyên nghiệp. Bạn đừng quá lo lắng nhé! Chỉ cần trả lời thật đúng hai câu hỏi ở trên là bạn cũng đã đi được 50% quãng đường để có được một bài viết hay rồi đấy. 50% còn lại cần nhiều sự kiên trì luyện tập và một vài yếu tố khác mà mình sẽ đề cập đến ở nội dung bên dưới.
Mình ví dụ:
Giúp bạn trở thành cây viết chuyên nghiệp. Kiếm tiền bằng nghề viết. Giới thiệu tới bạn thông tin khóa học của mình nhé.
TÌM HIỂU THÊMMình đã từng viết một bài có tựa đề Học viết Content Marketing là học những gì?, mình đã xác định mục tiêu bài viết dành cho các bạn đang cần kiến thức về Content Marketing, những bạn đã và đang làm Freelance Writer, những bạn muốn tìm khóa học viết lách (Việc xác định này giúp mình trả lời được câu hỏi Bạn viết cho ai?).
Trong bài viết, mình chia ra các phần tiêu đề phụ lần lượt: (H2) Hiểu đúng khi học viết Content Marketing; (H2) Sự khác nhau cơ bản giữa học viết Content Marketing và Copywriting là gì?; (H2)Các thể loại bài khi học viết Content Marketing; (H2) Học viết Content Marketing ở đâu? Mình làm ra các tiêu đề phụ thế này và viết các đoạn văn để làm sáng tỏ cho từng tiêu đề với mục tiêu chia sẻ kiến thức của mình về Content Marketing cũng như giới thiệu khóa học viết lách của mình. Mình cũng xin chú thích H1,H2,H3,… là tiêu đề chính, tiêu đề phụ được bố trí nhằm chuẩn hóa SEO.
Sau khi đọc xong bài viết này, nhiều bạn tìm đến mình để hỏi về khóa học cũng như kiến thức thêm về Content Marketing, đấy là lúc mình đạt được mục tiêu viết bài.
Để làm được điều này, bạn cần đứng ở vai trò người đọc, xem thử khi đọc xong bài viết này, bạn cảm thấy thế nào? Bài viết có làm bạn suy nghĩ nhiều hơn, có làm bạn đưa ra một quyết định nào đó, có làm bạn muốn khóc, có làm bạn thay đổi quan điểm, góc nhìn… Khi suy nghĩ lúc ở phía độc giả, bạn sẽ có thêm tư duy để cố gắng đạt được mục đích bài viết của mình dễ dàng hơn. Ví dụ: mình muốn viết một bài hướng dẫn người đọc làm một điều gì đó, mình sẽ đưa ra vài dẫn chứng bằng các con số để chứng minh nếu làm việc này sẽ có ích thế nào, có hại làm sao; sau đó mình viết những lời khích lệ; tiếp theo là từng bước hướng dẫn cụ thể để người đọc có thể làm theo dễ dàng; và cuối cùng là một lời động viên, khuyến khích hành động.
Một bài viết hay khi Freelance Writer cho đi nhiều thông tin giá trị
Một bài viết hay khi có nhiều thông tin giá trị được đưa ra làm dẫn chứng, đưa thông tin thuyết phục dựa trên trải nghiệm tác giả hoặc nhân vật, đưa thông tin có chọn lọc đủ để khiến độc giả nhớ…
Vậy thông tin có thể lấy từ đâu và làm thế nào để biết thông tin đó trở nên giá trị trong bài viết của mình? Có 3 nguồn bạn có thể tổng hợp được thông tin làm chất liệu trong các bài viết của mình, đó là kiến thức tổng hợp được từ sách, từ nghiên cứu của người khác được đăng tải trên website, trang báo uy tín; kiến thức đến từ trải nghiệm của chính bản thân bạn (bạn sẽ thấy người càng có trải nghiệm cuộc sống nhiều, càng viết hay, thuyết phục hơn đúng không?); kiến thức đến từ giao tiếp, phỏng vấn với người trong lĩnh vực, chủ đề mà bạn đang viết.
Nếu bạn tổng hợp được 3 nguồn thông tin trên và đưa vào bài viết của mình một cách khéo léo, bạn sẽ có được cảm tình nơi độc giả. Tuy nhiên, hãy nhớ, kiến thức chung, cơ bản nhất đều có sẵn trên Google, chi cần tìm là ra ngay, để một bài viết có sức thuyết phục cao bạn cần cung cấp cho độc giả góc nhìn cá nhân, câu chuyện trải nghiệm thật của chính mình hoặc nhân vật nào đấy. Trong trường hợp bạn viết cho khách hàng, bạn cần khai thác tối đa những điểm nổi bậc, những điểm mạnh mà các đối thủ khác chưa có, hoặc sự khác biệt của khách hàng trong từng sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp.
Tuy nhiên, sau khi có nhiều thông tin để hoàn thiên một bài viết, bạn cũng nên tránh việc cho toàn bộ vào tác phẩm của mình như một nồi lẩu nhé. Người viết hay sẽ biết cách “chế biến” chúng thành một bài viết vừa đủ thông tin để thuyết phục độc giả, để họ ghi nhớ những nội dung cần.
Cùng một nguyên liệu nhưng đầu bếp khác nhau sẽ chế biến món ăn và trình bày chúng với những cách không giống nhau. Họ dựa vào kỹ năng luyện tập, trải nghiệm cá nhân kèm một ít tài năng của mình (bạn nhớ thiên tài do 1% bẩm sinh và 99% khổ luyện chứ?) để cho ra món ăn vừa ngon, vừa đẹp. Và mình tin, bạn cũng sẽ trở thành một người “đầu bếp giỏi” trong chính tác phẩm “viết” của mình.
Bản thân mình bắt đầu ý thức được việc viết từ khi bước chân vào đội bồi dưỡng học sinh giỏi Văn thời cấp 2, tính đến nay cũng hơn 25 năm. Lên đại học, mình chọn chuyên ngành đào tạo viết lách chính quy (Báo chí – Truyền thông) để được học đúng với sở thích, sở trường. Chính thời gian này giúp mình vừa có kiến thức chuyên môn vừa có kỹ năng để sau khi ra trường, mình có ngay một công việc toàn thời gian đúng với ý nguyện. Thực ra, thời gian học đại học mình cũng đã bắt đầu cộng tác với báo chí, tham gia viết cho các doanh nghiệp nên quá trình tích lũy kiến thức cũng hình thành dần từ đó.
Hiện tại, mình đã trải nghiệm nhiều đề tài viết khác nhau như khởi nghiệp, du học, giáo dục, nội thất, ẩm thực, công nghệ thông tin, bất động sản, thời trang, thể thao,… Dù trước khi viết mình cũng sẽ tìm chất liệu từ phía khách hàng với các bảng câu hỏi gửi họ để khai thác thêm, đồng thời tìm các bài viết cùng chủ đề trên Google nhưng khi kết hợp cùng việc đọc sách từ trước đến nay và trải nghiệm về các đề tài đó ngoài cuộc sống đã giúp mình tạo nên các bài viết khiến khách hàng hài lòng.
Vì vậy để có thông tin tốt làm nên bài viết hay, bạn cần luyện thói quen đọc sách, mình luôn đặt mục tiêu đọc ít nhất 12 cuốn sách/năm từ 10 năm trước. Dù lượng sách đọc tùy năm sẽ thay đổi do nhu cầu công việc mình sẽ lướt qua những nội dung cần để làm tư liệu nhưng mình luôn cố gắng dành 1 tiếng mỗi ngày đọc sách. Mình đọc rất nhiều chủ đề khác nhau: truyện kinh điển, tản văn, ngôn tình, sách kinh doanh, đầu tư, khởi nghiệp, viết lách, marketing, kỹ năng,… Chính quá trình đọc sách giúp mình có sự hiểu biết nhất định ở nhiều lĩnh vực khách nhau. Và bật mí luôn cho các bạn biết là mình cũng “liều” làm rất nhiều dự án khách nhau ngoài viết lách, dù có lúc thành công, nhưng cũng nhiều lần thất bại đã cho mình rất nhiều bài học quý giá mà trường lớp không thể nào cung cấp được.
Bạn nên có cho mình cuốn sổ tay ghi chú bất kỳ câu nói hay nào bạn bắt gặp trong sách hoặc ngoài đời, hoặc một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu bạn. Mình có rất nhiều cuốn sổ được lấp đầy theo từng năm để lưu lại hết lịch làm việc, câu nói hay, ý tưởng sáng tạo, bí quyết của ai đó,… Nó là chất liệu tốt để mình tích lũy kiến thức cũng như ngôn từ phục vụ cho việc viết lách.
Mình ví dụ bài viết: Chia sẻ kinh nghiệm viết bài PR cho người mới bắt đầu, mình nhận được nhiều phản hồi từ các bạn rằng nhờ bài viết mà các bạn có được bài viết đăng báo. Để viết được bài này, mình đã lên mạng tìm các lý thuyết đúng nhất khi nói về PR và kết hợp cùng kỹ năng, trải nghiệm của bản thân trong suốt gần 10 năm viết báo, làm PR cho doanh nghiệp để chia sẻ đến độc giả.
Khi viết, bạn cũng đừng nên kỳ vọng rằng bài viết của mình sẽ được 100% độc giả khen hay, dù có một người xem nó giá trị và ý nghĩa, đối với mình vậy là đủ vui, đủ động lực để cho đi rồi. Viết hay cần thời gian, cần sự luyện tập mỗi ngày đấy bạn ạ.
Mình có những học viên ban đầu đến với khóa học ngoài niềm yêu thích viết lách ra thì chưa có kỹ năng để viết hay, để viết đúng, thế nhưng sau khi luyện tập một tháng dưới sự hướng dẫn của mình, họ cũng có cho mình thành quả đủ khiến chính họ bất ngờ. Thế nên, cứ kiên trì đi theo sự lựa chọn của trái tim và tin rằng bài viết mình hay, có ý nghĩa với độc giả để tiếp tục cho đi bạn nhé!
Bạn có thể đón đọc phần tiếp theo của bài viết Như thế nào là một bài viết hay và bí quyết viết hay cho Freelance Writer là gì? sẽ được up lên trong thời gian tới, bằng cách đăng ký nhận bài mới của Hạnh tại website!
Chúc bạn luôn vui và hạnh phúc với sự chọn lựa của mình!
Đăng ký nhận bài viết mới nhất của Hạnh qua email nhé.