Để tiếp tục cho câu chuyện về việc Hướng dẫn viết bài phỏng vấn chân dung nhân vật mà mình có chia sẻ trước đó, trong bài viết này mình muốn kể cho bạn nghe tâm sự vui và buồn khi viết chân dung nhân vật.
Để trở thành cây viết chuyên về chân dung nhân vật là một cơ duyên đầy thú vị đối với mình. Mình có hơn 700 bài viết về nhân vật từ khắp nơi trên thế giới nhưng chủ yếu là gương mặt Việt. Mình rất thích làm việc này vì mình biết được rằng ai đó sẽ đọc được câu chuyện của nhân vật để được truyền cảm hứng và để sống tốt hơn với lựa chọn của mình. Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui của một công việc đầy ý nghĩa cũng sẽ có nhiều phút giây mình cảm thấy không muốn viết nữa.
Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ để các bạn biết những lý do không nên viết bài phỏng vấn chân dung nhân vật, hoặc nếu muốn theo đuổi con đường này, bạn cần có những điều kiện cần và đủ nào?
Nội Dung
- Đừng viết phỏng vấn chân dung nhân vật nếu chưa có sự tò mò đủ nhiều!
- Đừng viết phỏng vấn chân dung nhân vật nếu chưa đủ độ lì lợm
- Giúp bạn trở thành cây viết chuyên nghiệp. Kiếm tiền bằng nghề viết. Giới thiệu tới bạn thông tin khóa học của mình nhé.
- Đừng viết phỏng vấn chân dung nhân vật nếu chưa thực sự yêu thích
Đừng viết phỏng vấn chân dung nhân vật nếu chưa có sự tò mò đủ nhiều!
Lựa chọn hướng đi chuyên viết về các gương mặt bạn cần có sự tò mò nhất định với họ. Có thể trên báo chí hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội bạn chỉ thấy những bề nổi của họ. Bên trong mỗi cá nhân đều có những câu chuyện rất hay để khai thác và để chia sẻ. Việc của bạn là làm thế nào khơi câu chuyện đấy ra để họ sẵn lòng chia sẻ mà thôi.
Thời gian này mình đang có các dự án viết sách về chân dung nhân vật trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Mình đã lên danh sách các nhân vật và tìm kiếm mọi thông tin của họ trên báo chí tuy nhiên điều mình cần biết nằm đâu đó ở những góc cạnh khác mà báo chí chưa có nói đến. Ví dụ mình đọc được dòng thông tin “chị đã đạt được giải nhất trong phương pháp dạy học tích hợp” trên báo chí, mình sẽ tò mò liệu phương pháp đó là gì và sẽ hỏi kỹ hơn khi phỏng vấn nhân vật.
Mình đã hoàn thành xong quá trình phỏng vấn nhân vật và mình chợt nhận ra là mình đã làm được điều mà các trang báo chưa khai thác hết các thông tin thú vị từ họ. Có thể các nhân vật chưa thể mở lòng và muốn cuộc phỏng vấn kết thúc nhanh nhưng với sự lắng nghe, với sự khơi gợi và hỏi sâu hơn với những thông tin trước đó, mình đã dần dần khiến họ chia sẻ nhiều hơn. Ví dụ họ có đề cập chuyện họ nghỉ việc ở công ty A, mình sẽ hỏi ngay câu tiếp theo là “Tại sao chị nghỉ ở đó?”
Có thể trong suốt quá trình phỏng vấn bạn sẽ cảm thấy sợ hãi vì họ giỏi hơn bạn, có thể bạn cảm thấy ngại ngần vì hỏi quá nhiều những câu họ không muốn trả lời, có thể bạn thấy làm phiền vì họ rất bận… Bạn nên gạt bỏ những suy nghĩ cản trở bạn có được một bài viết chất lượng để mang đến độc giả góc nhìn đa chiều, sâu sắc về một nhân vật.
Mình cũng rất nhiều lần có những suy nghĩ như vậy mỗi lần mời nhân vật phỏng vấn. Nhưng mình sẽ nghĩ đến việc mình và họ đang ở trong mối quan hệ win – win. Nhân vật cũng muốn giúp đỡ cộng đồng với câu chuyện, bài học thất bại, thành công cá nhân, họ cũng muốn được khẳng định thương hiệu cá nhân… Còn với bạn, bạn muốn có độc giả, muốn có được những bài viết khẳng định tên tuổi…
Nếu bạn hình thành tư duy rằng mình thực sự tò mò về nhân vật, thực sự muốn hiểu về người đó, muốn viết về họ với những điều tốt đẹp nhất mang đến cộng đồng, bạn chắc chắn sẽ làm được.
Đừng viết phỏng vấn chân dung nhân vật nếu chưa đủ độ lì lợm
Mình đã từng gặp gỡ, tiếp xúc và mời cả nghìn nhân vật để viết bài cho các báo, cho các trang tin và viết sách. Mình hiểu rõ được những cảm xúc vui có buồn có trong quá trình viết bài phỏng vấn chân dung nhân vật. Vui vì những lúc nhân vật nhiệt tình và chia sẻ thật tâm về câu chuyện cuộc đời cũng như sự nghiệp nhưng cũng buồn vì bị nhân vật từ chối.
Giúp bạn trở thành cây viết chuyên nghiệp. Kiếm tiền bằng nghề viết. Giới thiệu tới bạn thông tin khóa học của mình nhé.
TÌM HIỂU THÊMCó những lần mình đã lựa chọn nhân vật, đã gửi tin nhắn mời họ nhưng vì bận họ lại quên nhắn lại. Nếu chưa đủ độ lì lượm theo đuổi thì mình cũng không thể nào cho ra các bài viết chân dung nhân vật có độ ảnh hưởng với cộng đồng được. Một lần không thấy họ nhắn tin mình sẽ hỏi họ lần 2, lần 3 để nhờ sắp xếp một cuộc hẹn phỏng vấn hoặc nhờ họ kiểm tra email mình đã gửi câu hỏi đến. Luôn đi theo nhân vật và hỏi họ về thời gian để sắp xếp phỏng vấn là cách mình luôn làm để đạt được mục tiêu viết bài về họ. Dù biết rằng họ rất bận rộn nhưng một khi họ đã đồng ý nhận lời phỏng vấn, họ sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi làm tư liệu cho bài viết.
Sẽ có lúc bạn thấy nản, bạn muốn bỏ cuộc, bạn cảm thấy rất ngại vì mình đang làm phiền một người bận rộn nhưng nếu kiên trì một tí, lì lượm một tí, bạn sẽ có được cuộc hẹn đầy ý nghĩa với họ. Mình nghĩ những lý do sau đây khiến họ từ chối bạn: hồ sơ của bạn chưa đủ thuyết phục họ, mục đích bài viết của bạn chưa đủ để họ nhận lời, trong thời gian hiện tại họ chưa muốn xuất hiện trước công chúng, và họ đang bận thực sự… Thế nên nếu một nhân vật từ chối bạn, đừng buồn nhé, bạn xem như chưa đủ duyên với họ và tiếp tục kiên trì tìm đến các nhân vật khác.
Đừng viết phỏng vấn chân dung nhân vật nếu chưa thực sự yêu thích
Viết bài phỏng vấn chân dung nhân vật hay viết bất kỳ đề tài nào cũng đòi hỏi sự yêu thích viết lách của bạn. Nếu đủ yêu bạn sẽ tìm cách viết dù bất kỳ khó khăn nào ngăn cản, nhưng nếu chưa đủ yêu, bạn rất dễ nản lòng mà bỏ cuộc. Bản thân mình có nản không khi các nhân vật báo bận lắm, báo từ chối không tham gia, báo chưa sắp xếp được hoặc không hứng thú với các câu hỏi phỏng vấn…? Nhiều lắm chứ, mình vẫn cảm thấy muốn dừng lại nhưng động lực nào khiến mình muốn tiếp tục? Đó là tình yêu với nghề viết và ước muốn mang đến những giá trị tích cực cho cộng đồng. Mình tin rằng rồi câu chuyện của nhân vật sẽ giúp thay đổi được cuộc đời ai đó hoặc truyền cảm hứng giúp họ sống tốt hơn.
Đăng ký nhận bài viết mới nhất của Hạnh qua email nhé.
Chị ơi, chị cảm thấy viết bài phỏng vấn dạng tường thuật hay dạng Q&A sẽ hiệu quả hơn ạ? Vì em thấy mọi người viết kiểu Q&A nhiều hơn nhưng có vẻ nó khá khô khan.
Hi em, phỏng vấn dạng tường thuật đang được các báo ưu tiên viết hơn là Q&A á. Lựa chọn Q&A khi bài báo chuyên sâu khai thác nhân vật có tầm một xí như chuyên gia, hoặc doanh nhân nổi tiếng. Mà chị thấy bên cafebiz hay phỏng vấn Q&A doanh nhân. Nên tùy vào báo nào sẽ có style viết theo báo đó. Nếu em thấy khô khan có thể chọn hình thức tường thuật, vì hình thức này chị cũng lựa chọn đa phần ^^